<strong>1. Công tác điều tra</strong>
Tổng số phiếu khảo sát là 200 phiếu.
Đối tượng xin ý kiến, điều tra, khảo sát là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng công an, Chỉ huy trưởng quân sự, Công chức Tư pháp - Hộ tịch, công chức Văn phòng - Thống kê, công chức Văn hóa - Xã hội, công chức Địa chính - Xây dựng. Tại các huyện: Sơn Động, Yên Thế, Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang.
<strong>2.Kết quả nghiên cứu của từng chuyên đề cụ thể</strong>
Sau thời gian nghiên cứu 9 tháng, đề tài hoàn thành, sản phẩm của đề tài đảm bảo chất lượng và tiến độ theo thuyết minh. Cụ thể kết quả như sau:
<strong>a, Chuyên đề 1.</strong> Những vấn đề lý luận về tình huống và giải quyết tình huống
- Chuyên đề tập trung làm rõ cơ sở lý luận về tình huống, tình huống quản lý hành chính nhà nước, tình huống quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở; đặc điểm tình huống quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở; các loại tình huống quản lý hành chính nhà nước; quy trình giải quyết; những yếu tố ảnh hưởng đến việc giải quyết tình huống; thực trạng giải quyết tình huống quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; đề xuất hướng nâng cao chất lượng giải quyết tình huống.
- Quá trình thực hiện nghiên cứu chuyên đề kết hợp các nhóm phương pháp nghiên cứu sau:
<em>+ Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận:</em> Nghiên cứu, phân tích, tổng hợp các tài liệu, cẩm nang về tình huống quản lý hành chính nhà nước của Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, giáo trình luật hành chính của trường Đại học Luật Hà Nội; tài liệu chương trình bồi dưỡng kiến thức ngạch chuyên viên, chuyên viên chính của Bộ Nội vụ…
<em>+ Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn: </em>Trao đổi kinh nghiệm, khảo sát, phân tích thống kê số liệu….với các địa phương, ngành trong tỉnh.
Chuyên đề xác định khái niệm, đặc điểm, quy trình các bước giải quyết tình huống, cách thức, phương pháp, các dạng, nguyên tắc, yêu cầu khi giải quyết tình huống… làm cơ sở khoa học để xây dựng các chuyên đề 2, 3, 4, 5.
<strong>b, Các chuyên đề 2, 3, 4, 5</strong>
<strong><em>* Chuyên đề 2. Xây dựng 25 tình huống quản lý nhà nước về đất đai, kinh tế, môi trường và hướng xử lý</em></strong>
Chuyên đề tập trung vào đúng mục tiêu của đề tài. Chuyên đề khai thác những tình huống điển hình, xảy ra phổ biến ở các địa phương; những tình huống không đơn thuần chỉ căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết, cụ thể:
- Những tranh chấp, mâu thuẫn, bất cập trong quản lý của chính quyền địa phương về đất đai như: Hành vi lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển đổi đất đai khi không có sự đồng ý của chính quyền, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, để thừa kế đất nông nghiệp cho những người không đúng đối tượng được hưởng, xây dựng nhà thờ họ trên đất nông nghiệp…
- Những tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế như: Kinh doanh nhà hàng ăn uống không đảm bảo điều kiện, các hộ kinh doanh không có đăng ký, sản xuất, mua bán hàng hóa thủ công, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp…
- Những tình huống về môi trường: Xả thải, gây ô nhiễm môi trường, sản xuất kinh doanh không đáp ứng điều kiện về môi trường, đốt lò gạch thủ công; rác thải sinh hoạt tập trung tùy tiện, đốt rơm rạ trên ruộng đồng, xả nước thải của các hộ chăn nuôi tập trung...
<em>* Chuyên đề 3. Xây dựng 25 tình huống quản lý nhà nước về tư pháp hộ tịch, hôn nhân gia đình và hướng xử lý</em>
Chuyên đề tập trung vào đúng mục tiêu của đề tài đặt ra, khai thác những tình huống điển hình trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tư pháp hộ tịch, hôn nhân gia đình, xảy ra phổ biến ở các địa phương, cụ thể:
- Những tình huống trong lĩnh vực tư pháp - hộ tịch như: Khai sinh quá hạn, khai tử, giám hộ, thay đổi tên, họ, tách hộ khẩu, chứng thực các loại giấy tờ…
- Những tình huống trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình như: Đăng ký kết hôn, yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật, xin nhận con nuôi, tảo hôn, bạo lực gia đình, bạo hành và xâm hại trẻ em, cưỡng ép kết hôn, kết hôn vì mục đích thương mại…
<em>* Chuyên đề 4. Xây dựng 25 tình huống quản lý nhà nước về dân sự, trật tự công cộng và hướng xử lý</em>
Chuyên đề tập trung vào đúng mục tiêu của đề tài đặt ra, khai thác những tình huống điển hình trong lĩnh vực quản lý nhà nước về dân sự, trật tự công cộng xảy ra phổ biến ở các địa phương, cụ thể:
- Những tình huống phát sinh trong lĩnh vực dân sự như: Tranh chấp dân sự, từ những vấn đề đơn giản của cuộc sống làng xóm như vấn đề tranh chấp về lối đi, thoát nước mưa, nước thải, ảnh hưởng của việc sử dụng tài sản đến chủ sở hữu, việc gây tiếng ồn, ô nhiễm khu dân cư, việc gây thiệt hại cần phải bồi thường cho đến vấn đề xác định quyền sở hữu đối với không gian bất động sản, với vật bị chôn giấu, chìm đắm, bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, cho thuê, cho mượn tài sản ...
- Những tình huống trong quản lý về trật tự công cộng như: Trộm cắp vặt, đánh nhau, đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy, hành vi xâm hại trật tự công cộng của người nghiện, hoạt động tuyên truyền thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan, yêu sách chính quyền do bị kích động…
<em>* Chuyên đề 5. Xây dựng 25 tình huống quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo và hướng xử lý:</em>
Chuyên đề tập trung đúng mục tiêu, yêu cầu của đề tài đặt ra, khai thác những tình huống điển hình trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo xảy ra phổ biến ở các địa phương, cụ thể:
- Những tình huống về phòng, chống tham nhũng, lãng phí như: Tổ chức đám cưới, ma chay lãng phí, sử dụng lãng phí tài sản công; những hành vi nhận hối lộ, tham nhũng vặt của cán bộ, công chức cơ sở, hành vi quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn cho dân…
- Những tình huống về khiếu nại, tố cáo như: Khiếu nại vượt cấp, khiếu nại kéo dài, khiếu nại không đúng thẩm quyền, khiếu nại không đúng đối tượng, giải quyết khiếu nại không đúng quy định…; tố cáo những hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, tố cáo những việc làm sai trái của cán bộ, công chức cơ sở…