01.Tên nhiệm vụ:
Khảo nghiệm nhân giống rắn Hổ mang đen.
02.Cấp quản lý nhiệm vụ:
Cơ sở
05.Tên tổ chức chủ trì:
Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Lạng Giang
08.Danh sách cá nhân tham gia nhiệm vụ :
Hoàng Văn Sơn - Chuyên viên phòng Nông nghiệp;PTNT huyện Lạng Giang
09.Mục tiêu nghiên cứu:
Mục tiêu trực tiếp: Mục tiêu của mô hình này là tạo một nghề mới cho hộ nông dân chăn nuôi con đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm. - Từ kết quả của mô hình sẽ tổ chức nhân rộng mô hình nhân giống Rắn hổ mang đen trên địa bàn huyện, nhằm để cung cấp giống tại chỗ cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi Rắn hổ mang đen hàng hoá góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
13.Phương pháp nghiên cứu:
- Phối hợp với Trạm khuyến nông huyện trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật để triển khai thực hiện mô hình.
Chọn hộ gia đình có đủ điều kiện và khả năng thực hiện để cùng phối hợp triển khai mô hình.
- Lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực trong việc cung ứng con giống, thức ăn và một số vật tư khác phục vụ xây dựng mô hình.
15.Địa chỉ và quy mô ứng dụng dự kiến:
Tại gia đình Ông Bùi Văn Truyền - thôn Chung - xã Tân Thanh - huyện Lạng Giang
17.Kinh phí được phê duyệt:
- Tổng kinh phí : 228,800,000 đồng
Trong đó:
+ Từ kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh: 35,000,000 đồng
+ Từ nguồn vốn đối ứng của dân: 193,800,000 đồng
Lĩnh vực:
Khoa học nông nghiệp
Tình trạng thực hiện:
Đã nghiệm thu
Kết quả thực hiện:
Chuẩn bị chuồng trại
- Về chuồng trại, phải xây kiên cố bằng gạch, chia thành từng ô, mỗi ô nuôi 1con/m2. Đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông vì rắn là loài máu lạnh.
- Chuồng nuôi thường là hình hộp chữ nhật, có bộ khung bằng gỗ hoặc sắt thép, bốn phía xung quanh là lưới thép, có lỗ nhỏ hơn đầu rắn, cửa ra vào ở mặt trước chuồng và có khoá cẩn thận.
Kích thước chuồng nuôi (0,5-1m x 0,5-1m x 1m), có thể nuôi một con rắn sinh sản hay 1 con rắn thịt từ 3-4 tháng tuổi cho tới lúc bán thịt, thường là 5-6 tháng, hiệu quả kinh tế cao.
Thức ăn và khẩu phần thức ăn
- Thức ăn của rắn non chủ yếu là ếch, nhái, cá, tép, sâu bọ, côn trùng. Cứ 3-5 ngày lại cho rắn con ăn một lần. Số lượng thức ăn tăng dần theo tuổi.
- Thức ăn của rắn trưởng thành chủ yếu là chuột, cóc, ếch, nhái... Ngoài ra, chúng còn ăn trứng bọ cánh cứng, bướm và các côn trùng khác như sâu, giun, dế…
- Rắn có tập tính ăn mồi cử động, muốn rắn ăn mồi không cử động thì phải tập hay dùng que đung đưa mồi thì rắn mới ăn. Rắn bắt mồi bằng cách đớp, ngoạm. Răng cong vào trong và nhờ cấu tạo của xương hàm mở rộng nên có thể nuốt được những con mồi lớn.
- Khẩu phần thức ăn: Rắn dưới 6 tháng tuổi, định lượng thức ăn bằng 30% trọng lượng cơ thể/tháng, chia làm 7-10 lần; rắn trên 6 tháng đến 1 năm tuổi, định lượng thức ăn bằng 20% trọng lượng cơ thể/tháng, chia làm 5-6 lần; rắn trên 1 năm tuổi, định lượng thức ăn bằng 10% trọng lượng cơ thể/tháng, chia làm 2-4 lần.
- Nước uống: Tốt nhất nên cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho rắn uống và tắm tự do.
Chăm sóc nuôi dưỡng
- Rắn đực, rắn cái phải nuôi riêng để tiện theo dõi, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng.
- Quá trình sinh trưởng, phát triển phải trải qua những lần lột da. Sự lột da không diễn ra theo một chu kỳ nhất định. Rắn lột da nhằm rũ bỏ lớp da cũ, già cỗi, chật chội, tạo điều kiện cho tế bào mới phát triển tốt hơn. Sắp lột da, rắn không ăn mồi, tính trở nên hung dữ, da chuyển dần sang màu trắng, thích ở chỗ ẩm ướt và yên tĩnh. Lớp da mới mang màu sắc đẹp, mềm bóng, sau 2-3 tuần da rắn trở lại bình thường.
- Sau khi lột da nếu được cung cấp thức ăn đầy đủ, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, tốc độ tăng trưởng của rắn có thể tăng nhanh hơn 2-3 lần.
- Tuổi thành thục sinh dục của rắn hổ mang thường trên hai năm. Thông thường rắn sống đơn độc, chỉ đến mùa sinh sản rắn đực và rắn cái mới tìm đến nhau. Rắn động dục và sinh sản theo mùa, thường từ tháng 3-8 âm lịch, rắn nuôi nhốt có thể muộn hơn. Khi động dục rắn cái bò tới bò lui tìm chỗ trống chui ra (tìm đực), đồng thời tiết ra chất dịch có mùi đặc trưng để báo hiệu và quyến rũ rắn đực.
- Trước mùa phối giống 1 tháng cần cho rắn sinh sản ăn no, đủ dinh dưỡng để phối giống và tạo trứng.
- Khi chuẩn bị đẻ, con cái bò đi bò lại trong chuồng, tìm chỗ trũng, có rơm, cỏ khô để đẻ. Có thể làm ổ đẻ cho rắn bằng bao xác rắn đựng trấu cài đặt vào một góc chuồng, nơi yên tĩnh, tránh gió lùa…
- Rắn hổ mang mang thai hơn hai tháng thì đẻ trứng, thường đẻ 10-20 trứng, có khi hơn, kích thước trứng thường từ 59-62/25-30mm và có hiện tượng con cái canh giữ trứng. Trong tự nhiên, sau khi đẻ hết trứng vào ổ, rắn cái tự cuộn tròn lại trên trứng để ấp, tỷ lệ nở khoảng 40-80%.
- Trứng rắn sau khi ấp 55-60 ngày nở ra rắn con. Rắn con tự mổ vỏ trứng chui ra vận động và làm quen với môi trường sống mới. Trứng nào chưa nở, ta hỗ trợ bằng cách xé vỏ trứng dài 1cm, cho rắn con ra. Rắn con mới nở dài 200-350mm, nặng 30-50g và có khả năng bạnh cổ.
- Rắn con sau khi nở có thể tự sống 3-5 ngày bằng khối noãn hoàng tích ở trong bụng. Sau thời gian này, bụng rắn con xẹp lại, da nhăn nheo và lột xác đầu tiên.
- Thức ăn của rắn non chủ yếu là ếch, nhái, cá, tép, sâu bọ, côn trùng… Cứ 3 - 5 ngày lại cho rắn con ăn một lần. Số lượng thức ăn tăng dần theo tuổi…
- Loài rắn hổ mang hoang dã có đặc tính hung bạo, khi con cái ấp nở thì con đực ở ngoài rình chờ con nở ra ăn thịt. Rắn hổ mang con phải lanh lẹ, khôn ngoan mới có thể thoát khỏi miệng rắn bố.
- Trong điều kiện chăn nuôi, ấp trứng nhân tạo, cần kiểm tra trứng vài lần, nếu thấy các quả trứng to đều, trắng, khô ráo, vỏ láng bóng là trứng tốt; những quả quá to hay quá nhỏ, vỏ xỉn vàng là trứng hỏng phải loại bỏ. Tổ chức ấp trứng nhân tạo đạt được kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, khó nhất là nuôi sao cho rắn hổ mang chịu bắt cặp, vì nuôi nhốt trong chuồng trại chúng rất “lười biếng”, ít chịu giao phối.
- Trong mỗi chuồng nuôi rắn nên để một máng nước sạch và mát cho rắn uống hoặc tắm (nhất là giai đoạn lột da), đồng thời tăng thêm độ ẩm khi thời tiết hanh khô, vì nếu hanh khô quá rắn chậm lớn và da bị hỏng.
- Thường ngày phải dọn sạch phân trong chuồng, số phân hàng ngày thải ra không nhiều, phân khô, ít gây mùi thối.
- Định kỳ, 5 - 7 ngày vệ sinh chuồng trại một lần, lau chùi sạch sẽ những chất thải cho khỏi hôi hám, ruồi nhặng không bu bám đem theo mầm bệnh. Trời nắng nóng thì phun nước tắm rửa cho rắn, trời lạnh và ẩm không cần tắm, chỉ vệ sinh khô, mùa đông cần che chắn xung quanh chuồng cho rắn. Tránh mùi lạ cho rắn… Khi vào chuồng rắn phải luôn đề phòng rắn tấn công.
Rắn là động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, phòng bệnh tổng hợp là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho rắn:
Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, ăn uống sạch sẽ, thức ăn đảm bảo thành phần và giá trị dinh dưỡng, chuồng trại luôn sạch sẽ, không lầy lội, không nóng quá, lạnh quá, không có mùi lạ, tránh ruồi nhặng và các loài côn trùng khác gây hại cho rắn. Đặc biệt, khi môi trường sống thay đổi phải chăm sóc nuôi dưỡng thật chu đáo để phòng và chống stress gây hại cho rắn.
Thời gian bắt đầu:
02/2014
Thời gian kết thúc:
11/2014
Năm thực hiện:
2014
753
Tổ chức phối hợp:
- Đỗ Danh Kiểm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT - cộng sự của dự án.
- Nguyễn Văn Giang - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT - cộng sự của dự án.
- Hà Ngọc Hoa - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Lạng Giang - cộng sự của dự án.
- Nguyễn Khánh Hùng - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Lạng Giang- cán bộ kỹ thuật tư vấn xây dựng mô hình.